TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG VỚI HÀNG XÓM, GÂY THƯƠNG TÍCH GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG VỚI HÀNG XÓM, GÂY THƯƠNG TÍCH GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG VỚI HÀNG XÓM, GÂY THƯƠNG TÍCH GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG VỚI HÀNG XÓM, GÂY THƯỜN TÍCH GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

NỘI DUNG TƯ VẤN: 

Kính gửi Luatbinhduong.net, em có sự việc như sau rất mong nhận được sự tư vấn từ luật sư:

Gia đình em và gia đình hàng xóm đã nhiều năm mâu thuẫn về cổng ngõ lối đi chung, cổng ngõ này là phần đất do ông cha ngày xưa để lại đến nay chưa có sổ đỏ. Năm 1996 do gia đình em mua được mảnh đất bên cạnh liền kề nên tạm thời xây bao bịt ngăn lối đi đó và sử dụng đi ngõ mới (ngõ của mảnh đất mới mua), khi xây chỉ trao đổi bằng miệng với hàng xóm là chỉ tạm xây ngăn để phòng trộm cắp và cho kín cổng cao tường, do vậy đến nay cũng không có văn vản thoả thuận nào của 2 gia đình về việc xây ngăn đó. Đến năm 1999 và 2005 địa chính xã về đo đạc thì gia đình em không có ở nhà, cho nên địa chính xã họ lầm tưởng gia đình e đã hết đất và quy hết ngõ đi đó cho nhà hàng xóm, sau này xã gọi bố mẹ em lên ký vào bản đồ giáp danh (bản đồ này không thể hiện phần ngõ đi đó là lối đi chung nữa), do không hiểu biết nên bố mẹ em đã ký vào bản đồ giáp danh ở cả 2 thời kỳ 1999 và 2005. Bây giờ gia đình em có nhu cầu sử dụng lối đi thì nhà hàng xóm nói không cho và bảo ngõ đi này nhà họ đã đóng thuế toàn bộ từ hồi 1999 nên không cho gia đình em sử dụng. Kể từ đó đến nay gia đình em làm đơn lên xã để giải quyết cho gia đình em tiếp tục sử dụng lối đi nhưng xã vẫn chỉ căn cứ vào các bản đồ giáp danh, việc nộp thuế đất và giải quyết ngõ đi thuộc về nhà hàng xóm. Em cũng xin cung cấp thêm là ngoài căn cứ vào 2 bản đồ giáp danh 1999 và 2005 thì xã còn 1 mốc bản đồ năm 1983, xã cũng khẳng định là bản đồ năm 1983 đã không thể hiện lối đi chung của nhà em. Tuy nhiên khi em xin trích lục hồ sơ địa chính thì xã chỉ cung cấp cho em cái bản đồ vẽ thủ công (bản phô tô không có công chứng hay xác nhận nào của các cơ quan khác), khi em hỏi hiện tại bản đồ gốc vẽ thủ công của năm 1983 em nghĩ là sẽ thể hiện nhưng xã bảo cũng không giữ và không còn cấp cơ quan nào giữ vì giờ truyền qua nhiều đời nên thất lạc và mất.

HỎI:

1. Em không đồng ý việc hoà giải như vậy nên làm đơn lên huyện thì huyện bảo về xã và ý của huyện là nếu giải quyết thì cũng lấy kết quả của xã làm căn cứ. Vậy em xin hỏi việc xã giải quyết như vậy là đúng hay sai? Và giờ em phải làm thế nào để dành lại quyền sử dụng ngõ đi ấy?

2. Cũng liên quan đến gia đình nhà hàng xóm này thì 1 hôm ngày 4/12/2017 thấy cổng nhà hàng xóm đóng, cũng thấy chó đã nhốt trong chuồng, trong nhà hàng xóm vẫn có người thì bố em bắc thang qua bức tường ngăn lối đi đó để sang phía bên nhà hàng xóm khơi dòng nước chảy (dòng nước chảy này được làm dọc men theo hết lối đi chung đó mà gia đình em vẫn sử dụng từ xưa đến bây giờ vẫn tồn tại) thì nhà hàng xóm cố tình thả chó cho cắn bố em thương tích nhiều vết, ngay sau khi bị chó cắn thì bố đã ngồi gục tại chỗ vì đau đớn. Khi em đi làm về thấy sự việc như vậy nên có trèo qua bức tường sang nhà hàng xóm để yêu cầu nhà hàng xóm đưa bố em đi sơ cứu. Tuy nhiên hàng xóm họ không đồng ý đưa bố em đi, em vì thấy bố đau đớn mà họ cư xử như vậy, em không kiểm soát được nên có cầm dao sang doạ hàng xóm (em chỉ giơ lên doạ chứ không chém hay chặt gì) nhưng có lẽ do lúc mâu thuẫn giằng co qua lại nên không hiểu vì sao lại có vết xước ở tay người hàng xóm, có kết quả giám định là thương tích 3% (bản thân em cũng không chắc chắn hàng xóm bị rách xước do chạm phải con dao của em hay không), dù có thì cũng chuyện bé xé ra to, có thể nói là họ ăn vạ. Sau vụ việc thì dân làng ra can ngăn dàn xếp 2 bên về nhà. Đến giờ hàng xóm làm đơn lên công an huyện tố em là cầm dao chém người. Công an gọi em lên lấy lời khai 2 lần nhưng do lo sợ bị bắt nên em vẫn phủ nhận là mình không cầm dao khi sang nhà họ. Gia đình em cũng làm đơn tố lại nhà hàng xóm đã thả chó cắn bố em (bản thân bố em là bệnh binh mất sức 61%) nhưng bố em không đi giám định thương tích. Bây giờ vẫn đang chờ kết quả cuối cùng của toà và viện kiểm sát nhưng theo em được biết thì phía công an huyện sẽ giải hoà và bắt gia đình em xin lỗi, bồi thường cho nhà hàng xóm và em sẽ vị phạt hành chính nữa. Nếu gia đình em không đồng ý hoà giải thì sẽ bắt giam em vào tù. Bây giờ em rất hoang mang lo lắng.

Vậy luật sư cho em hỏi bên phía công an nếu giải quyết như vậy thì có đúng không? Em phải làm gì để không bị đi tù và có hình phạt nhẹ nhất? Em xin chân thành cám ơn!

 

TRẢ LỜI TƯ VẤN:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Luatbinhduong.net, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Về việc lối đi chung:

Căn cứ theo quy định tại Điều 202 về Hòa giải tranh chấp đất đai của Luật đất đai năm 2013 như sau:

 1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.

Đối với trường hợp của bạn, do bạn không nói rõ về vấn đề căn cứ về lối đi chung. Do đó sẽ chia làm hai trường hợp như sau:

Thứ nhất, nếu phần đất này thuộc một trong hai bên của bạn hoặc người hàng xóm thì muốn xem xét lối đi này là của ai thì cần phải có căn cứ để chứng minh. Đối với trường hợp này của bạn, việc tranh chấp lối đi chung thuộc thẩm quyển giải quyết của UBND xã, trước tiên bạn phải trải qua thủ tục hòa giải tại UBND xã để giải quyết tranh chấp với người hàng xóm.  Khi tiến hành hòa giải bạn có thể đưa ra căn cứ để chứng minh về nguồn gốc đất của lối đi chung gồm: Giấy tờ, tài liệu chứng minh đất là do ông cha để lại, hồ sơ địa chính của UBND thể hiện về về lối đi chung hoặc trong bản đồ giáp danh thể hiện lối đi chung…để chứng minh. Nếu hòa giải không thành tại UBND xã thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để tiến hành giải quyết tranh chấp.

Thứ hai, nếu phần đất hiện đang xảy ra tranh chấp mà bạn hoặc người hàng xóm không có căn cứ chứng minh được phần đất này thuộc đất của ai thì đối với trường hợp này của bạn, nếu như hòa giải không thành tại UBND xã thì bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để tiến hành giải quyết tranh chấp.

Về chịu trách nhiệm hình sự:

Căn cứ theo quy định tại Điều 134 về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác của Bộ luật hình sự năm 2015 như sau:

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm: 

a) Dùng vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm hoặc thủ đoạn có khả năng gây nguy hại cho nhiều người; 

b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm; 

c) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ; 

d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, thầy giáo, cô giáo của mình, người nuôi dưỡng, chữa bệnh cho mình; 

đ) Có tổ chức; 

e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; 

g) Trong thời gian đang bị giữ, tạm giữ, tạm giam, đang chấp hành án phạt tù, đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc đang chấp hành biện pháp xử lý vi phạm hành chính đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng hoặc đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; 

h) Thuê gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do được thuê; 

i) Có tính chất côn đồ; 

Thứ nhất, theo như thông tin bạn cung cấp thì người hàng xóm đã có hành vi cố tình thả chó ra để cắn bố bạn, tuy nhiên bố bạn lại không đi giám định tỷ lệ thương tật do đó chưa thể xác định được liệu người hàng xóm có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 hay không. Do đó, đối với trường hợp này nếu như bạn muốn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông hàng xóm thì bố bạn cần phải đi giám định tỷ lệ thương tích. Nếu tỷ lệ thương tích của bố bạn từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm tại Khoản 1 của Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì sễ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 1 của Điều này.

Thứ hai, theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn đã có hành vi cầm dao và gây ra thương tích đối với ông hàng xóm có tỷ lệ thương tật là 3%. Đối với hành vi này của bạn thì bạn đã gây ra tỷ lệ thương tích dưới 11% nhưng thuộc trường hợp dùng hung khí nguy hiểm thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a, Khoản 1, Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015.

Căn cứ theo quy định tại Điều 155 về Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như sau:

1. Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Đối với trường hợp này của bạn, nếu như hành vi của bạn cấu thành tội cố ý gây thương tích theo khoản 1 Điều 134 của Bộ luật hình sự năm 2015 thì cơ quan điều tra chỉ được khởi tố vụ án theo yêu cầu của ngươi bị hại. Đối với trường hợp này của bạn, thì bạn nên tiến hành hòa giải với phía nhà hàng xóm và bồi thường cho họ một khoản tiền hợp lý theo thỏa thuận của hai bên và nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính để tránh việc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác.
 

Về bồi thường thiệt hại về dân sự:

Căn cứ theo quy định tại Điều 590 về Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm của Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:

1 Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;

b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;

c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;

d) Thiệt hại khác do luật quy định.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Đối với trường hợp của bạn, việc bạn gây thương tích đối với người hàng xóm bạn sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại, Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.

Ngoài ra, nếu bố bạn bị thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm do hành vi thả chó gây thương tích của người hàng xóm thì có thể yêu cầu bồi thường do sức khỏe bị xâm phạm theo Điều 590 của Bộ luật dân sự. Do hai bên đều có lỗi và đều xảy ra thương tích thì gia đình bạn có thể thỏa thuận với người hàng xóm một khoản tiền hợp lý để giải quyết vụ việc.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.

Trân trọng!

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương