THẢ RÔNG CHÓ CẮN CHẾT NGƯỜI, CHỦ NUÔI PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG?

THẢ RÔNG CHÓ CẮN CHẾT NGƯỜI, CHỦ NUÔI PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG?

THẢ RÔNG CHÓ CẮN CHẾT NGƯỜI, CHỦ NUÔI PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG?

THẢ RÔNG CHÓ CẮN CHẾT NGƯỜI, CHỦ NUÔI PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ HAY KHÔNG?
CÂU HỎI TƯ VẤN:
Thưa luật sư! xin nhờ luật sư tư vấn cho tôi trường hợp chủ nuôi chó không trông coi dẫn đến chó chạy ra ngoài cắn người khác, hậu quả là người bị cắn thiệt mạng thì người chủ nuôi chó phải chịu trách nhiệm như thế nào?
TRẢ LỜI TƯ VẤN:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Luatbinhduong.net. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
Bộ luật Dân sự 2015;
Bộ luật Hình sự 2015;
Nghị định 90/2017/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;
2. Luật sư tư vấn:
Khoản 2 Điều 7 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định:
"Điều 7. Vi phạm về phòng bệnh động vật trên cạn
...
2. Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tiêm phòng vắc xin phòng bệnh Dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng;
b) Không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng.
..."
Như vậy pháp luật đã quy định người nuôi chó phải có ý thức quản lý thú cưng của mình khi đưa chó ra nơi công cộng, cụ thể phài có biện pháp đeo rọ mõm và xích giữ chó để đảm bảo an toàn cho cộng đồng. Người không thực hiện đúng những quy định trên sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng.
Ngoài ra, Điều 603 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra như sau:
"Điều 603. Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra
1. Chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Người chiếm hữu, sử dụng súc vật phải bồi thường thiệt hại trong thời gian chiếm hữu, sử dụng súc vật, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
2. Trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại; nếu người thứ ba và chủ sở hữu cùng có lỗi thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
3. Trường hợp súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật gây thiệt hại thì người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật phải bồi thường; khi chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng súc vật có lỗi trong việc để súc vật bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.
4. Trường hợp súc vật thả rông theo tập quán mà gây thiệt hại thì chủ sở hữu súc vật đó phải bồi thường theo tập quán nhưng không được trái pháp luật, đạo đức xã hội."
Trong trường hợp mà bạn đưa ra, do đã dẫn đến hậu quả chết người nên ngoài những trách nhiệm nêu trên, người chủ nuôi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật hình sự hiện hành.
Về hành vi để chó cắn chết người, phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người chủ nuôi mà người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo những tội danh khác nhau được quy định trong Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 như Tội giết người (Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (điều 134 Bộ luật hình sự 2015 , sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc Tội vô ý làm chết người (Điều 128 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Cơ quan điều tra khi tiến hành điều tra vụ án sẽ phải xác định cụ thể nhiều yếu tế để kết luận hành vi của người chủ nuôi sẽ bị truy tố theo tội nào. Ví dụ trường hợp người chủ vật nuôi cố ý thả rông chó với mong muốn xảy ra hậu quả chết người hoặc gây thương tích cho người khác thì có thể bị truy cứu theo Tội giết người hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác.
Ở đây, nếu xác minh được người chủ nuôi chó không có ý định thả chó với mong muốn gây chết người hoặc gây thương tích cho người khác mà việc để chó chạy ra nơi công cộng và gây chết người là do sự cẩu thả, chủ quan của chủ vật nuôi thì người chủ vật nuôi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vô ý làm chết người. Điều 128 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
"Điều 128. Tội vô ý làm chết người
1. Người nào vô ý làm chết người, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội làm chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm."
Người chủ vật nuôi có thể phải chịu khung hình phạt cao nhất đối với tội danh này là phạt tù đến 10 năm nếu để xảy ra hậu quả làm chết 02 người trở lên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.
Trân trọng!

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương