RỦI RO KHI ĐỨNG TÊN ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT HỘ NGƯỜI KHÁC TRONG KINH DOANH?

RỦI RO KHI ĐỨNG TÊN ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT HỘ NGƯỜI KHÁC TRONG KINH DOANH?

RỦI RO KHI ĐỨNG TÊN ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT HỘ NGƯỜI KHÁC TRONG KINH DOANH?

RỦI RO KHI ĐỨNG TÊN ĐẠI DIỆN THEO PHÁP LUẬT HỘ NGƯỜI KHÁC TRONG KINH DOANH?
CÂU HỎI TƯ VẤN:
Bố em hiện tại đang đứng tên cho 4 công ty doanh nghiệp nhỏ (trong đó có 1 doanh nghiệp tại nhà do bố em trực tiếp quản lí và điều hành) và 3 doanh nghiệp còn lại là đứng tên hộ một người anh họ (anh con nhà bác nuôi). Do lúc đó bố em chưa hiểu rõ luật cũng như nể nang nên đã đồng ý đứng tên hộ. Hiện tại những doanh nghiệp này đang hoạt động và đóng thuế đầy đủ. Nhưng em có tìm hiểu về những rủi ro khi đứng tên hộ nên cũng rất lo lắng. Nếu doanh nghiệp đó gặp rắc rối (luật pháp, tranh chấp) bố em phải làm sao để giảm thiểu rủi ro và thiệt hại vậy ạ? Mong anh chị có thể giúp em giải đáp thắc mắc này. Em xin trân thành cảm ơn!
TRẢ LỜI TƯ VẤN
Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi câu hỏi đến Luatbinhduong.net. Với vấn đề của bạn, chúng tôi xin đưa ra tư vấn như sau:
Trên thực tế, việc bố bạn đứng tên hộ cho người khác có nghĩa là việc bố bạn là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đó trong giấy đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, do thông tin bạn cung cấp không đầy đủ nên chúng tôi không thể xác định được những công ty mà bố bạn đứng tên được đăng ký là loại hình công ty nào: Công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty tư nhân,… và công ty có bao nhiêu người đại diện theo pháp luật để xác định rủi ro mà bạn phải chịu cụ thể ra sao, do đó, chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn những rủi ro thường gặp nhất với bố bạn khi “đứng tên hộ” cho doanh nghiệp của người khác.
Thứ nhất, về rủi ro khi đại diện công ty tham gia giải quyết tranh chấp.
“Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.”
Bố bạn là người đại diện theo pháp luật của công ty có thể phải chịu trách nhiệm đại diện cho doanh nghiệp khi giải quyết các tranh chấp phát sinh của doanh nghiệp tại Trọng tài, Tòa án. Tùy thuộc vào việc công ty có bao nhiêu người đại diện để xác định được việc bố bạn có phải bắt buộc tham gia không hoặc có thể ủy quyền cho người khác nhưng những rắc rối pháp lý trong vấn đề này vẫn tồn tại.
Thứ hai, về rủi ro do trách nhiệm với công ty mà bố bạn đứng tên.
Điều 14 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:
“1. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao một cách trung thực, cẩn trọng, tốt nhất nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp;
b) Trung thành với lợi ích của doanh nghiệp; không sử dụng thông tin, bí quyết, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, không lạm dụng địa vị, chức vụ và sử dụng tài sản của doanh nghiệp để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác;
c) Thông báo kịp thời, đầy đủ, chính xác cho doanh nghiệp về việc người đại diện đó và người có liên quan của họ làm chủ hoặc có cổ phần, phần vốn góp chi phối tại các doanh nghiệp khác.
2. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân đối với những thiệt hại cho doanh nghiệp do vi phạm nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này.”
Bố bạn dù chỉ là người đứng tên hộ, không tham gia quản lý, điều hành hoạt động những doanh nghiệp đó vẫn có một số một số nghĩa vụ nhất định với công ty như tham gia các buổi họp mà bắt buộc sự có mặt của người đại diện theo pháp luật, phải ký một số hồ sơ, giấy tờ,… và phải chịu trách nhiệm nếu gây thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ của mình theo khoản 1 điều trên.
Ngoài ra, với công ty TNHH hai thành viên trở lên, theo khoản 1 điều 72 quy định:
“Thành viên công ty tự mình, hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và cán bộ quản lý khác vi phạm nghĩa vụ của người quản lý trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm quy định tại Điều 71 của Luật này;
b) Không thực hiện đúng và đầy đủ hoặc thực hiện trái với quy định của pháp luật hoặc Điều lệ công ty về các quyền và nghĩa vụ được giao; không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghị quyết của Hội đồng thành viên;”
Do đó, nếu công ty bố bạn làm đại diện là công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, bố bạn còn có thể bị thành viên công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự vì những lý do như trên.
Thứ ba, về rủi ro từ những giao dịch, hoạt động phi pháp của công ty.
Theo thông tin bạn cung cấp, hiện tại các doanh nghiệp này đang hoạt động và đóng thuế đầy đủ. Tuy nhiên, bạn không thể biết được liệu các giao dịch, hoạt động của những công ty này liệu có hợp pháp không và việc bố bạn ký tên, đóng dấu vào những giấy tờ, hợp đồng đó có thể khiến bố bạn bị liên đới cùng chịu trách nhiệm với những vi phạm pháp luật đó.
Thứ tư, rủi ro về tài chính. 
Một số loại hình doanh nghiệp như công ty tư nhân yêu cầu bạn phải chịu trách nhiệm về các khoản nơ và nghĩa vụ của công ty vô hạn bằng toàn bộ tài sản của mình hay công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trong phạm vi vốn điều lệ của công ty,...
Tùy loại hình doanh nghiệp mà rủi ro tài chính bố bạn có thể gặp phải là khác nhau. Ngoài ra, bố bạn có thể phải liên đới chịu trách nhiệm trong các trường hợp thành viên công ty không góp vốn, không góp đủ vốn,...
Như vậy, việc bố bạn “đứng tên hộ” doanh nghiệp cho người khác tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, bất lợi. Việc bố bạn tránh, hạn chế các rủi ro này cần phải có sự cẩn trọng khi ký kết bất kỳ hợp đồng, giấy tờ và phải tham gia, chấp hành đầy đủ một số nghĩa vụ của người đại diện theo luật định và theo nội quy công ty,... Tuy nhiên, không thể loại trừ được hết các rủi ro có thể gặp phải nên bố bạn cần yêu cầu anh họ làm thủ tục thay đổi người đại diện theo pháp luật để không phải đối mặt những rủi ro kể trên.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.
Trân trọng!

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương