GIẤY ỦY QUYỀN CÓ BỊ CHẤM DỨT GIÁ TRỊ PHÁP LÝ KHI NGƯỜI ỦY QUYỀN MẤT KHÔNG?

GIẤY ỦY QUYỀN CÓ BỊ CHẤM DỨT GIÁ TRỊ PHÁP LÝ KHI NGƯỜI ỦY QUYỀN MẤT KHÔNG?

GIẤY ỦY QUYỀN CÓ BỊ CHẤM DỨT GIÁ TRỊ PHÁP LÝ KHI NGƯỜI ỦY QUYỀN MẤT KHÔNG?

GIẤY ỦY QUYỀN CÓ BỊ CHẤM DỨT GIÁ TRỊ PHÁP LÝ KHI NGƯỜI ỦY QUYỀN MẤT KHÔNG?
NỘI DUNG TƯ VẤN: 
Em xin chào luật sư ạ! Em cần tư vấn 1 số vấn đề về nhà ở, em xin trình bày nội dung như sau: 
Ông nội em có để lại Giấy ủy quyền sử dụng nhà ở cho ba em ở từ năm 2000 nhưng không có công chứng của xã, chỉ có ông thợ làm nhà và ông thôn đội làm chứng. Năm 2004 ông nội mất. Như vậy ba em có quyền sở hữu ngôi nhà đó không? Mặc dù ba em đã tách sổ hộ khẩu của ông nội và nhập hộ khẩu với mẹ em. Có thể làm sổ đỏ hay không? Bởi vì lâu nay nhà ông nội em không có sổ đỏ. Nếu anh chị em của ba về giành lại ngôi nhà thì phải làm sao ạ? Mong luật sư giúp đỡ ạ?
TRẢ LỜI: 
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Luatbinhduong.net, vấn đề của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, hợp đồng ủy quyền cho sử dụng nhà ở.
Vấn đề ủy quyền, căn cứ theo quy định tại Điều 562 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:
“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định”.
Theo đó, hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Đối với trường hợp của bạn, ông nội bạn có làm giấy ủy quyền cho bố bạn sử dụng nhà chứ không phải tặng cho hay chuyển nhượng cho bố bạn, đồng thời việc ủy quyền sử dụng chỉ có giá trị khi người ủy quyền còn sống… Do đó, giấy ủy quyền trên không có giá trị pháp lý về việc bố bạn có quyền sở hữu căn nhà.
Thứ hai, chia thừa kế khi người có tài sản mất.
Khi ông nội bạn mất, thì giấy ủy quyền đó sẽ chấm dứt giá trị pháp lý. Do đó, nếu ông nội bạn không có để lại di chúc thì căn nhà này sẽ được chia thừa kế theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào Điều 651 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
“1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau;
…”.
Theo đó, những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông nội bạn, bao gồm: bà nội bạn, bố mẹ của ông nội (nếu còn), các con của ông nội bạn (bao gồm cả con đẻ, con nuôi) sẽ được hưởng một phần di sản thừa kế bằng nhau mà không phụ thuộc vào sổ hộ khẩu.
Để xin cấp được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, thì những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất phải làm văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, đến văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng thực hiện công chứng hoặc đến UBND xã/phường nơi có đất chứng thực. Tuy nhiên, đất đó hiện chưa có giấy chứng nhận nên chưa thể xác định đây là di sản thừa kế, vì vậy tại văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế sẽ ủy quyền cho một trong số những người thừa kế thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận. Sau đó, người được ủy quyền sẽ đến UBND cấp xã/phường nơi có đất để xác nhận về việc sử dụng đất ổn định, lâu dài, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch kế hoạch (Căn cứ theo mục 1 Phần II Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP). Khi đã có văn bản xác nhận đó của UBND cấp xã/phường, thì người được ủy quyền có thể nộp hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai thuộc Phòng tài nguyên Môi trường cấp quận/huyện nơi có đất để xin cấp giấy chứng nhận. Thành phần hồ sơ bao gồm:
+ Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (theo mẫu số 04a/ĐK);
+ Giấy chứng tử của người để lại di sản (ông nội);
+ Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã/phường;
+ Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế;
+ Trích lục hồ sơ địa chính.
+ Giấy tờ tùy thân của những người thừa kế (bản sao có chứng thực CMND hoặc Căn cước công dân), Sổ hộ khẩu (bản sao có chứng thực);
Trường hợp không thỏa thuận được việc phân chia di sản thừa kế, hiện nay một trong số những người anh, chị, em của bố bạn có quyền khởi kiện lên Tòa án để yêu cầu phân chia di sản thừa kế.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.
Trân trọng!

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương