ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC NHỜ MANG THAI HỘ?

ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC NHỜ MANG THAI HỘ?

ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC NHỜ MANG THAI HỘ?

ĐIỀU KIỆN, THỦ TỤC NHỜ MANG THAI HỘ?
CÂU HỎI:
Tôi và chồng nay đã 30 tuổi mà không có con, đi khám nhiều lần cũng không có con, nay tôi và chồng muốn được thực hiện biện pháp mang thai hộ để được có con thì cần những điều kiện gì? Thủ tục như thế nào?
TRẢ LỜI:
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi tới Luatbinhduong.net, với câu hỏi của bjan chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Hiện nay, mang thai hộ là một biện pháp được nhiều cặp vợ chồng sử dụng khi không thể có con cùng với nhiều biện pháp khác như: sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, thụ tinh nhân tạo…và muốn thực hiện những biện pháp này thì cần những điều kiện nhất định. Theo quy định tại Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 và Nghị định số 10/2015/NĐ-CP về sinh con trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo thì việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần đáp ứng những điều kiện sau:
1. Về điều kiện của cơ sở khám, chữa bệnh phải đáp ứng các điều kiện về máy móc, thiết bị y tế, nhân sự, quy định tại khoản 2 Điều 13 NĐ 10/2015/NĐ - CP quy định hiện có 3 cơ sở khám bệnh được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đó là:
– Bệnh viện Phụ sản trung ương; 
– Bệnh viện Đa khoa trung ương Huế; 
– Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.
2. Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản. Không vì mục đích thương mại (Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác)
3. Về người mang thai hộ phải đáp ứng các điều kiện sau (Điều 95 Luật hôn nhân và gia đình)
– Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ; ( người thân thích được quy định như sau: Người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ bao gồm: Anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì của họ; anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của người cùng cha mẹ hoặc cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha với họ.
–  Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần;
– Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ;
– Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng;
–  Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
4. Về người nhờ mang thai hộ thì cần đáp ứng các điều kiện sau: (Điều 95 Luật hôn nhân gia đình)
– Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
–  Vợ chồng đang không có con chung;
– Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. 
5. Về thủ tục thực hiện việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo
*  Thực hiện việc thỏa thuận bằng văn bản với người mang thai hộ, bao gồm những nội dung sau đây:
– Thông tin đầy đủ về bên nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo các điều kiện có liên quan
–  Cam kết thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
–  Việc giải quyết hậu quả trong trường hợp có tai biến sản khoa; hỗ trợ để bảo đảm sức khỏe sinh sản cho người mang thai hộ trong thời gian mang thai và sinh con, việc nhận con của bên nhờ mang thai hộ, quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với con trong trường hợp con chưa được giao cho bên nhờ mang thai hộ và các quyền, nghĩa vụ khác có liên quan;
–  Trách nhiệm dân sự trong trường hợp một hoặc cả hai bên vi phạm cam kết theo thỏa thuận.
Văn bản mang thai hộ cần thực hiện công chứng theo quy định của pháp luật.
* Cặp vợ chồng chuẩn bị hồ sơ, gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này, gồm:
–  Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ theo Mẫu số 04 ban hành kèm theo Nghị định này;
–  Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo Mẫu số 05 ban hành kèm theo Nghị định này;
– Bản cam đoan của người đồng ý mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
–  Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của vợ chồng nhờ mang thai hộ xác nhận;
–  Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm về việc người vợ có bệnh lý, nếu mang thai sẽ có nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
–  Bản xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm đối với người mang thai hộ về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi theo quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị định này và đã từng sinh con;
– Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
–  Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
– Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
– Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ theo quy định.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ , cơ sở được cho phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Trường hợp không thể thực hiện được kỹ thuật này thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất. 
Trân trọng!   
 

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương