CHỒNG TỰ MANG SỔ ĐỎ ĐI CẦM CỐ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

CHỒNG TỰ MANG SỔ ĐỎ ĐI CẦM CỐ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

CHỒNG TỰ MANG SỔ ĐỎ ĐI CẦM CỐ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

CHỒNG TỰ MANG SỔ ĐỎ ĐI CẦM CỐ CÓ ĐƯỢC KHÔNG?
NỘI DUNG CÂU HỎI: 
Em xin chào luật sư. Luật sư cho e hỏi vấn đề như sau:
Trong thời gian kết hôn 2 vợ chồng chị e có mua được miếng đất, anh chồng đứng tên sổ đỏ. Giờ anh chồng đi ngoại tình về đòi ly hôn bán đất, chị em không đồng ý bán vì còn 2 đứa con nhỏ. Anh chồng nói anh ta cầm sổ đỏ. Nếu không bán anh ta đem sổ đi cầm cố lấy tiền. Luật sư cho e hỏi trong trường hợp này anh chồng có đem sổ đỏ đi cầm cố 1 mình hoặc thực hiện các giao dịch khác được không ạ. Mong luật sư giải đáp. Chân thành cảm ơn luật sư!
TRẢ LỜI: 
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Luatbinhduong.net, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, đối với vấn đề người chồng tự mình thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân:
Theo thông tin bạn cung cấp, trong thời gian kết hôn hai vợ chồng chị gái bạn có mua được một mảnh đất. Mảnh đất này có thể được coi là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân của hai vợ chồng chị gái bạn căn cứ theo quy định tại Điều 33 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng
1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. 
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.

 

Như vậy, nếu mảnh đất này là tài sản được hình thành sau khi hai vợ chồng chị gái bạn đăng ký kết hôn và không phải là tài sản anh rể bạn có được do được thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng thì đây được xác định là tài sản chung trong thời kì hôn nhân của vợ chồng chị gái bạn.
Trong trường hợp này xác định là tài sản chung của hai vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân thì chị gái bạn được xác định là đồng sở hữu, nếu người chồng muốn thực hiện các giao dịch liên quan đến phần tài sản này thì phải có sự đồng ý của chị gái bạn. Nếu người chồng tự ý thực hiện các giao dịch liên quan đến mảnh đất mà không có sự đồng ý hoặc không có giấy ủy quyền thể hiện sự đồng ý của chị gái bạn thì các giao dịch do người chồng tự thực hiện có thể xác định là giao dịch dân sự vô hiệu do không đáp ứng được mặt chủ thể tham gia giao dịch.
Đối với vấn đề người chồng thông báo tự thực hiện giao dịch cầm cố tài sản. Theo quy định của Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật liên quan hiện tại đất đai không phải đối tượng của hợp đồng cầm cố tài sản vì:
Thứ nhất, tài sản cầm cố phải là tài sản có thể giao được cho bên nhận cầm cố, để bên nhận cầm cố quản lý và bảo quản tài sản cầm cố. Hành vi bên cầm cố chuyển giao quyền chiếm hữu tài sản cho bên nhận cầm cố để bảo đảm thực một nghĩa vụ dân sự. Tuy nhiên đất đai không phải là tài sản có thể giao trực tiếp cho bên nhận cầm cố được.
Thứ hai, về tài sản phải là thuộc sở hữu của bên cầm cố
Điều 105 – Bộ luật dân sự quy định về tài sản như sau: 
"1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.
2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.
Theo đó, đất đai cũng là một loại tài sản, là bất động sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 107 BLDS 2015 nhưng không phải thuộc sở hữu của một cá nhân. Điều 4 Luật Đất đai năm 2013 quy định sở hữu đất đai như sau: "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất theo quy định của Luật này”. Như vậy, cá nhân, tổ chức chỉ được quyền sử dụng đất chứ không phải quyền sở hữu đất. 
Vì vậy, từ các phân tích trên thì đất đai không thể là đối tượng của biện pháp bảo đảm cầm cố được. Nên nếu người chồng thực hiện giao dịch cầm cố tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp này thì giao dịch này là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Nếu người chồng tự mình thực hiện giao dịch cầm cố tài sản hoặc thực hiện các giao dịch khác liên quan đến phần tài sản này mà không có sự đồng ý của chị gái bạn thì chị gái bạn có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Thứ hai, đối với vấn đề ly hôn và phân chia tài sản
Theo thông tin bạn cung cấp, hiện tại người chồng đang muốn thực hiện thủ tục ly hôn và phân chia tài sản khi ly hôn nhưng chị gái bạn không đồng ý và muốn để phần tài sản này cho các con. Trường hợp này chị gái bạn không đồng ý ly hôn thì người chồng vẫn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết đơn phương ly hôn căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình 2014 như sau:
“1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
…”
Như vậy, căn cứ theo quy định này nếu ngưởi chồng có căn cứ chứng mình đời sống hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được thì vẫn có căn cứ để tòa án xem xét giải quyết ly hôn theo yêu cầu của người chồng.
Đối với tài sản trong trường hợp này nếu người chồng có yêu cầu phân chia khi ly hôn thì Tòa án vẫn tiến hành giải quyết phân chia tài sản chung khi ly hôn căn cứ theo quy định tại Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:
“1. Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.
…”
Như vậy, nếu người chồng gửi đơn yêu cầu giải quyết ly hôn đơn phương trong đó có đề nghị giải quyết phân chia tài sản thì mặc dù chị gái bạn không đồng ý phân chia thì Tòa vẫn tiến hành phân chia dựa trên yêu cầu của người chồng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.
Trân trọng!

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương