Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN HỢP ĐỒNG THUÊ NHÀ?

Nội dung câu hỏi:

Xin chào Luật sư. Tôi có 1 căn nhà đang được cho thuê. Tháng 4/2018, tôi ký hợp đồng cho thuê nhà với bên A có thời hạn 8 năm, có điều kiện không được phép sang nhượng và chuyển quyền thuê nhà. Nếu hợp đồng bị chấm dứt trước thời hạn, thì bên yêu cầu chấm dứt phải bồi hoàn 1 năm tiền thuê nhà. Tại thời điểm ký kết, tôi nhận tiền đặt cọc là 1 tháng thuê nhà và 3 tháng tiền thuê. Tuy hợp đồng chính thức có hiệu lực từ 4/2018, nhưng tiền thuê bắt đầu được tính từ tháng 6/2018 do bên A phải sửa chữa trước khi kinh doanh. Đến tháng 5/2018, họ yêu cầu sang nhượng lại hợp đồng thuê cho người họ hàng (bên B) do khó khăn về tài chính do bệnh tật. Thông cảm cho hoàn cảnh của họ, tôi đồng ý cho bên A sang nhượng lại hợp đồng cho bên B, trả lại toàn bộ 4 tháng tiền thuê nhà đã nhận. Hợp đồng bên B và tôi hoàn toàn mới và độc lập. Đến tháng 6/2018, tôi phát hiện ra bên B và bên A không có liên quan đến nhau. Bên A đăng thông tin chuyển nhượng quyền thuê lên trên mạng Internet, mà không có sự đồng ý của tôi. Bên A còn mượn bản sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có công chứng của tôi vì một mục đích nào đó tôi không rõ ràng. Bên A rao cho thuê lại với phí chuyển nhượng là 300 triệu và tiền thuê cao hơn hợp đồng với tôi là 7 triệu/tháng. Số tiền bên A nhận tổng cộng từ bên B là 730 triệu (bao gồm tiền sửa nhà bên A bỏ ra từ tháng 4/18-5/18). Tất cả các hợp đồng đều được công chứng rõ ràng và đầy đủ.

Câu hỏi của tôi là:

1. Bên A có làm đúng luật khi ăn tiền chênh lệch giữa 3 bên? Có dấu hiệu lừa đảo nào trong vụ này không?

2. Tôi có thể đòi bồi thường từ bên A do phá vỡ hợp đồng không? Nếu có, số tiền bồi thường có thể là bao nhiêu?

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luatbinhduong.net, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về việc bên A nhận tiền chênh lệch từ bên B

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn có ký hợp đồng thuê nhà vơi bên A , sau đó hai bên đã đồng ý chấm dứt hợp đồng thuê nhà và bạn đã ký hợp đồng thuê nhà với bên B. Bên A có nhận một khoản tiền do bên B trả. Vì vậy, ở đây tồn tại hai thỏa thuân độc lập: thỏa thuân giữa bên A và bên B và thỏa thuân giữa bạn bên B. Việc bên A nhận tiền bên B sẽ do thỏa thuận giữa họ  và không trái với quy định của pháp luật.

Hành vi của bên A có phải hành vi lừa đảo hay không thì lừa đảo được hiểu là dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có trị giá từ 2 triệu đồng trở lên. Tuy nhiên, có thể thấy rằng bên A nhận được khoản tiền chênh lệch từ bên B và được bên B đồng ý nên đây không được coi là hành vi lừa đảo.

 

Thứ hai, việc đòi bồi thường từ bên A

Bạn và bên A đã có thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng thuê nhà, đây là một trong các căn cứ để chấm dứt hợp đồng được quy định tại Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015 nên đấy không thuộc trường hợp bên A đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do vậy bên A không có nghĩa vụ phải bồi thường cho bạn.

Điều 422. Chấm dứt hợp đồng

Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây:

1. Hợp đồng đã được hoàn thành;

2. Theo thỏa thuận của các bên;

3. Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;

4. Hợp đồng bị hủy bỏ, bị đơn phương chấm dứt thực hiện;

5. Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn;

6. Hợp đồng chấm dứt theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này;

7. Trường hợp khác do luật quy định.’

Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu: Tranh chấp liên quan đến hợp đồng thuê nhà. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.

Trân trọng!

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương