Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

TÀI SẢN THỪA KẾ KHI BỐ MẸ VỢ MẤT THÌ CÓ CHIA CHO CON RỂ KHÔNG?

CÂU HỎI:

Chào luật sư. Bố mẹ tôi sau khi mất muốn để lại tài sản cho tôi và 2 người con của tôi chứ không muốn bị chia cho cả chồng tôi. Như vậy có được không. Nếu không muốn chia tài sản cho chồng tôi thì phải làm như thế nào. Và sau khi ly hôn thì tài sản bố mẹ tôi để lại có bị chia với chồng tôi không.

TRẢ LỜI:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và gửi câu hỏi yêu cầu tư vấn tới bộ phận tư vấn luật của chúng tôi. Nội dung câu hỏi của bạn được chúng tôi nghiên cứu và tư vấn như sau.

Thứ nhất, về vấn đề để lại di chúc của bố, mẹ bạn.

Theo Bộ luật dân sự, tại Điều 624 quy định:

" Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết."

Như vậy, người để lại di chúc có quyền chỉ định người được hưởng di sản thừa kế trong di chúc. Việc chỉ định ai là người được thừa kế di sản do người lập di chúc để lại hoàn toàn do ý chí chủ quan của người đó. Đồng thời người để lại di chúc phải đảm bảo điều kiện theo quy định về di chúc hợp pháp như sau:

- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

- Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

Do đó, nếu bố, mẹ bạn muốn để lại tài sản cho bạn và con của bạn mà không muốn để lại cho chồng của bạn thì bố, mẹ bạ hoàn toàn có thể lập di chúc trong đó chỉ định người thừa kế là bạn và con của bạn. Đồng thời để di chúc do bố hoặc mẹ bạn lập được công nhận là hợp pháp thì di chúc phải đảm bảo điều kiện của một di chúc hợp pháp và được thể hiện bằng một trong các hình thức của di chúc như sau ( Điều 627, 628, 629 Bộ luật dân sự):

Di chúc phải được lập thành văn bản; nếu không thể lập được di chúc bằng văn bản thì có thể di chúc miệng. Di chúc bằng văn bản bao gồm: Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có người làm chứng; Di chúc bằng văn bản có công chứng; Di chúc bằng văn bản có chứng thực. Trường hợp tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng. Sau 03 tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người lập di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng mặc nhiên bị hủy bỏ.

Ngoài ra tại Điều 644 quy định những người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc gồm những người sau:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Như vậy, chồng của bạn, tức con rể của bố, mẹ bạn không thuộc đối tượng được thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Do đó, khi bố, mẹ bạn để lại di chúc cho bạn và các con của bạn thì chồng của bạn hoàn toàn không có quyền yêu cầu chia di sản đối với di sản thừa kế do bố, mẹ bạn để lại cho bạn và các cháu.

Thứ hai, vấn đề chia tài sản được thừa kế sau khi ly hôn.           

Theo quy định tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình về tài sản riêng của vợ, chồng:

1. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.

2. Tài sản được hình thành từ tài sản riêng của vợ, chồng cũng là tài sản riêng của vợ, chồng. Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng trong thời kỳ hôn nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 33 và khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Giải quyết chế độ tài sản của vợ chồng khi ly hôn thực hiện theo quy định tại Điều 59, theo đó tài sản riêng của vợ, chồng được chia như sau:

4. Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Căn cứ các quy định trên, tài sản mà bạn được thừa kế từ bố, mẹ của bạn là tài sản riêng của bạn, do vậy sau khi ly hôn chúng vẫn thuộc sở hữu riêng của bạn mà chồng của bạn không có quyền được chia đối với những tài sản là tài sản riêng của bạn. Để dễ dàng và thuận tiện cho việc chứng minh đó là tài sản riêng, bạn nên lưu giữ các chứng cứ chứng minh tài sản bạn được thừa kế riêng từ bố, mẹ bạn, trong trường hợp này đó là bản di chúc của bố, mẹ bạn.

Như vậy, bố, mẹ bạn muốn để lại tài sản cho bạn và các cháu mà không muốn để lại cho chồng của bạn thì hoàn toàn có thể thực hiện được bằng cách lập di chúc. Và các tài sản bạn được thừa kế từ bố, mẹ bạn là tài sản riêng của bạn nên không bị chia khi ly hôn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương