Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

NGƯỜI VỢ CẦN ĐIỀU KIỆN GÌ ĐỂ ĐẢM BẢO QUYỀN NUÔI CON SAU KHI ĐÃ LY HÔN?

Luật sư tư vấn về vấn đề người vợ và người chồng sau khi ly hôn Tòa án đã giao con dưới 3 tuổi cho người vợ nuôi dưỡng. Hiện tại con đã đủ 3 tuổi người chồng muốn giành quyền nuôi con với người vợ sau ly hôn. Người vợ phải làm như thế nào để đảm bảo quyền nuôi con của mình nếu như người chồng muốn khởi kiện ra Tòa án yêu cầu giành quyền nuôi con sau ly hôn?

 

Nội dung tư vấn: 

Xin chào Luatbinhduong.net, hiện nay, tôi có thắc mắc về vấn đề quyền nuôi con sau khi ly hôn, tôi xin được trình bày như sau:

Tôi kết hôn tháng 01/2015, tháng 10/2015, tôi sinh con trai đầu lòng. Đến tháng 10/2017, khi con trai tôi được 2 tuổi, chồng cũ tôi có bạo hành tôi nhiều lần, cả hai đều nhận thấy không thể sống chung nên quyết định đồng thuận ly hôn. Trước khi ra tòa ly hôn, tôi đã kiện chồng cũ lên Công an Phường về việc anh ta bạo hành tôi nhiều lần, và có một lần bố chồng tôi cũng đánh vào đầu tôi. Tôi yêu cầu Công an họ xử phạt hành chính, do cùng thời điểm ra tòa ly hôn nên tôi không muốn ảnh hưởng đến công việc của tôi và của anh ta. Tôi chỉ nghĩ giải quyết như thế cho xong để tập trung vào việc ly hôn, cũng không cần xử phạt hình sự. Sau khi xử phạt hành chính xong, bên Công an đã đề nghị cho chồng cũ tôi đi cải tạo nhưng tôi không đồng ý vì hai gia đình rất gần nhau, và tôi cũng muốn con tôi qua lại có bố khi cháu còn nhỏ chưa hiểu chuyện. Khi ra tòa án ly hôn,hai bên không có tài sản tranh chấp gì (nhà và xe của anh ta là tài sản trước hôn nhân, tôi không yêu cầu chia tài sản), nợ chung không có và hai bên đều đồng thuận ly hôn, đồng ý cho con trai tôi được ở với mẹ, tôi không yêu cầu trợ cấp nuôi con.

Ngày 21/11, tôi ra tòa nhận quyết định và trích lục ly hôn. Quyết định của tòa xét cho tôi là người trực tiếp nuôi con, chăm sóc cháu đến năm cháu 18 tuổi; chồng cũ tôi không phải cấp dưỡng nuôi con. Hiện tại, tôi đã về bên nhà ngoại ở, do bố mẹ tôi đã mất trước khi tôi kết hôn nên nhà hiện tại đứng tên anh trai tôi, tôi ở cùng gia đình anh chị và các cháu. Chồng cũ tôi thi thoảng có cấp dưỡng nuôi con, chỉ chuyển khoản qua tài khoản ngân hàng 3 tháng đầu tiên sau ly hôn, còn lại anh ta đưa trực tiếp hoặc gửi anh trai tôi. Tôi vẫn thoải mái cho nhà chồng cũ tôi đón cháu mỗi cuối tuần và không có bất cứ cản trở gì.Hiện tại, tôi đang là giáo viên mầm non ở một trường tư thục gần nhà, con trai tôi đi học cùng với mẹ. Thời gian tôi làm việc ở trường là trong giờ hành chính, và tôi là người trực tiếp chăm sóc con trai tôi ở lớp học.

Tháng 10/2018 sắp tới, con trai tôi đủ 3 tuổi, gia đình nhà chồng nhiều lần dọa ra tòa án kiện tôi giành lại quyền nuôi con khiến tôi rất áp lực. Tôi được biết, khi trẻ từ 3 - 7 tuổi, người mẹ hết quyền ưu tiên nuôi con, và quyền nuôi con do tòa án quyết định khi xảy ra tranh chấp.

Tôi muốn hỏi, với hoàn cảnh của tôi : đang sống ở nhà anh trai, làm giáo viên mầm non, so với kinh tế nhà chồng cũ thua thiệt hơn rất nhiều, anh ta có nhà riêng, xe hơi riêng, còn có bố mẹ ở cùng và có một showroom lớn, thì khi anh ta kiện ra tòa giành quyền nuôi con khi con trai tôi 3 tuổi, liệu tôi có giữ con ở với tôi hay không? Mong các vị luật sư tư vấn cụ thể, vì tôi đang rất lo lắng và áp lực. Tôi xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: 

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới Luatbinhduong.net, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

 

“1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
 


2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:
 


a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;
 


b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
 


4. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.”

 

Đối với trường hợp này của bạn, chồng cũ của bạn có quyền yêu cầu Tòa án quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con. Tuy nhiên, Tòa án chỉ giải quyết khi có một trong các căn cứ: cha, mẹ có thỏa thuận thay đổi hoặc người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

 

Điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con được hiểu bao gồm:

 

+ Điều kiện kinh tế: Bạn là giáo viên mầm non có việc làm, có thu nhập ổn định, đảm bảo cho việc sinh hoạt, học tập của con…có chỗ ở ổn định.

 

+ Điều kiện nhân thân: Có lối sống lành mạnh, tuân thủ các quy định của pháp luật, chấp hành chủ trương của Đảng và Nhà nước, sống gương mẫu,…đảm bảo con có thể sống trong môi trường văn minh. Có thời gian chăm sóc con,…

 

Do vậy, trong trường hợp chồng bạn khởi kiện yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng thì để đảm bảo quyền trực tiếp nuôi dưỡng con của mình thì cần chứng minh được vẫn đáp ứng đủ điều kiện trực tiếp nuôi con (điều kiện nêu trên). Trên cơ sở đó để Tòa án quyết định việc quyền trực tiếp nuôi dưỡng vẫn giao cho bạn hay thay đổi giao cho chồng cũ giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.

Trân trọng!

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương