Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

NGƯỜI 17 TUỔI TRỘM CẮP NHIỀU LẦN CÓ BỊ TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ?

CÂU HỎI:

Chào luật sư!

Mong luật sư tư vấn cho tôi vấn đề sau: cháu Minh là con trai hàng xóm nhà tôi, năm nay cháu 17 tuổi. Minh nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt của những hộ trong thôn ( mỗi lần trộm cắp giá trị tài sản thường từ 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng) đã được gia đình, nhân dân trong thôn và Trưởng thôn giáo dục, răn đe nhưng không chịu sửa chữa nên trưởng thôn đã đề nghị lên xã. Trưởng Công an xã đã ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với Minh. Vậy, xin hỏi luật sư quyết định của Trưởng Công an xã trong trường hợp này có đúng quy định của pháp luật không? Minh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản không? Tôi xin chân thành cảm ơn!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luatbinhduong.net, với câu hỏi của bạn chúng tôi xin trả lời như sau:

Như bạn trình bày, cháu Minh năm nay 17 tuổi nên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm (theo Khoản 1 Điều 12 Bộ luật hình sự 2015). Minh đã có hành vi thường xuyên trộm cắp vặt, giá trị tài sản trộm cắp thường từ 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng. Mà theo quy định tại Điều 173 BLHS năm 2015 tội trộm cắp tài sản thì mới bị truy cứu trạch nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

 

Người 17 tuổi trộm cắp vặt nhiều lần có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Tuy nhiên, Khoản 5 Phần II Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25/12/2001 về việc hướng dẫn một số quy định tại chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” quy định:

“Trong những lần phạm tội mà mỗi lần phạm tội dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình Sự (dưới 2 triệu đồng) và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích…) đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:

1.  Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian.

2.  Việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính.

3.  Với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới mức 2 triệu đồng.”

Do bạn không nói rõ tổng giá trị tài sản các lần mà Minh trộm cắp là bao nhiêu? Nếu tổng giá trị tài sản các lần mà Minh trộm cắp bằng hoặc trên 2 triệu đồng trở lên và các các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian hoặc việc thực hiện các hành vi xâm phạm sở hữu có tính chất chuyên nghiệp, lấy tài sản do việc xâm phạm sở hữu mà có làm nguồn sống chính hoặc với mục đích xâm phạm sở hữu, nhưng do điều kiện, hoàn cảnh khách quan nên việc xâm phạm sở hữu phải được thực hiện nhiều lần cho nên giá trị tài sản bị xâm phạm mỗi lần dưới mức 2 triệu đồng thì Minh vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản và ngược lại.

Điều 89 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:

“Điều 89. Biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1.  Giáo dục tại xã, phường, thị trấn là biện pháp xử lý hành chính áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 90 của Luật này để giáo dục, quản lý họ tại nơi cư trú trong trường hợp nhận thấy không cần thiết phải cách ly họ khỏi cộng đồng.

2.  Thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn từ 03 tháng đến 06 tháng.”

Đồng thời, Điều 90 Luật này quy đinh những đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn như sau:

“Điều 90. Đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn

1.  Người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.

2.  Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự.

3.  Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi 02 lần trở lên trong 06 tháng có hành vi trộm cắp, lừa đảo, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

4.  Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên có nơi cư trú ổn định.

5.  Người từ đủ 18 tuổi trở lên thực hiện hành vi xâm phạm tài sản của cơ quan, tổ chức; tài sản, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của công dân hoặc người nước ngoài; vi phạm trật tự, an toàn xã hội 02 lần trở lên trong 06 tháng nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

6.  Những người quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà không có nơi cư trú ổn định thì được giao cho cơ sở bảo trợ xã hội hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em để quản lý, giáo dục trong thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”.

Minh năm nay 17 tuổi nên chỉ có thể áp dụng biện pháp giáo dục tại xã nếu 2 lần trở lên trong 6 tháng có hành vi trộm cắp như quy định tại Khoản 3 Điều 90 trên. Bạn chỉ nói Minh nhiều lần có hành vi trộm cắp vặt của các hộ dân trong thôn chứ không nêu rõ số lần vi phạm trong các tháng nên để có thể xác định Minh có phải đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã không thì bạn cần phải xem số lần Minh có hành vi trộm cắp trong 6 tháng.

Ngoài ra, theo Điều 105 Luật sử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

 “Điều 105. Thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính

1.Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.”

Như vậy, theo quy định trên thì Trưởng Công an xã không có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã đối với Minh mà trường hợp Minh thuộc đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã thì thẩm quyền ra quyết định thuộc về Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã. Cho nên quyết định của Trưởng Công an xã trong trường hợp này là sai về thẩm quyền.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.

Trân trọng!

                                       

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương