Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

CON ĐẺ VÀ CON NUÔI YÊU NHÂU VẬY MUỐN KẾT HÔN CÓ ĐƯỢC KHÔNG?

CÂU HỎI:

Kính chào luật sư! Tôi có một vấn đề cần luật sư tư vấn như sau: Tôi và vợ tôi có sinh được hai đưa con trai, nhưng vì chúng tôi không có con gái nên chúng tôi đã nhận con nuôi thêm một đứa con gái. Con gái nuôi là con gái đầu của gia đình bạn thân của chồng tôi từ thủa thiếu thời, do bố mẹ cháu mất.

 

Tôi nhận con nuôi từ năm cháu 1 tuổi, nay cháu lớn và ở cùng với gia đình từ ngày đó đến giờ. Vì chúng tôi không giấu con gái về việc con gái là con nuôi, còn bố mẹ cháu đã mất do tai nạn lao động từ khi cháu 1 tuổi. Cháu vẫn qua lại thăm ông bà nội, ngoại và sống rất ngoan ngoãn. Nay con trai thứ hai của tôi yêu thương con gái nuôi và muốn kết hôn với con gái nuôi. Chúng tôi dĩ nhiên là không đồng ý nhưng giờ hai đứa cũng đã 27 tuổi, đều có công việc và cuộc sống khá tự do. Vì chúng tôi phản đối do sợ vi phạm pháp luật hôn nhân. Nhưng thấy hai đứa yêu thương nhau từ bé nên chúng tôi bắt đầu xuôi ý và không phản đối gay gắt nữa. Nay con gái nuôi có thai với con trai tôi và hai đứa muốn làm đám cưới. Tôi muốn hỏi trường hợp của con tôi chúng có được kết hôn không?

Cảm ơn Luật sư! 

Trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Luatbinhduong.net. Nội dung câu hỏi của bạn chúng tôi tư vấn cụ thể như sau:

1. Cơ sở pháp lý: 

Luật hôn nhân và gia đình 2014.

 

Con đẻ và con nuôi muốn kết hôn với nhau đây là hiện tượng hiếm nhưng cũng không phải là không có trên thực tế. Theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình không quy định cụ thể về vấn đề này. Tuy nhiên, căn cứ vào các quy định ta có thể khẳng định con đẻ và con nuôi có thể kết hôn với nhau.

Trước hết, để đưa ra được câu trả lời con đẻ và con nuôi được phép hay không được phép kết hôn, chúng ta cần xem xét trên 02 phương diện sau: Điều kiện kết hôn và Những trường hợp cấm kết hôn theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.

Thứ nhất: Về điều kiện kết hôn:

Theo quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình 2014: Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

+ Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

+ Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

+ Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

+ Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này. (Đây thuộc phần phương diện thứ 02 – Những trường hợp cấm kết hôn)

Thứ hai: Những trường hợp cấm kết hôn:

Theo quy định tại Điều 5 Luật hôn nhân và gia đình 2014 pháp luật cấm các hành vi sau đây:

+ Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo;

+ Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn;

+ Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

+ Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.

          Như vậy, khi đối chiếu với quy định về vấn đề quyền được kết hôn tại một số điều luật quy định ở trên thì con đẻ và con nuôi không thuộc các trường hợp pháp luật cấm kết hôn. Vì thế, về nguyên tắc, con đẻ và con nuôi có thể kết hôn với nhau miễn là phải đảm bảo đủ các điều kiện về kết hôn pháp luật quy định. Theo đó, điều kiện để con đẻ và con nuôi được kết hôn với nhau cũng áp dụng tương tự điều kiện kết hôn thông thường giữa nam và nữ, đó là phải đáp ứng 03 điều kiện cụ thể sau:

1. Về độ tuổi

Nam thì phải từ đủ 20 tuổi trở lên; còn nữ thì phải từ đủ 18 tuổi trở lên.

Lưu ý, ở đây pháp luật hiện hành tại Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về độ tuổi kết hôn là phải “từ đủ”trở lên, tức phải đáp ứng điều kiện đủ ngày, đủ tháng, đủ năm chứ không đơn thuần là “bước qua” tuổi 20 đối với nam hay 18 đối với nữ.

Ví dụ: Người nam sinh ngày 01/01/1993 thì phải qua ngày 01/01/2013 thì người đó mới được coi là đủ 20 tuổi; nếu chỉ 19 tuổi 1 ngày thì không được xem là đủ 20 tuổi.

2. Về tính tự nguyện

Việc kết hôn phải do con đẻ và con nuôi tự nguyện quyết định, không phải kết hôn là do bị ép buộc, lừa dối, cưỡng ép hay bị cản trở.

3. Về các trường hợp cấm kết hôn

Con đẻ và con nuôi phải không thuộc trường hợp cấm kết hôn như đã phân tích ở trên.

Như vậy nếu giữa con đẻ và con nuôi đáp ứng đủ điều kiện về độ tuổi, tính tự nguyện và không thuộc các trường hợp cấm kết hôn thì việc kết hôn đó được pháp luật công nhận khi thực hiện đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Emaillbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.

Trân trọng!

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương