Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

Luật Bình Dương

BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TRONG XÂY DỰNG.

CÂU HỎI TƯ VẤN: 

Mình có vấn đề cần hỏi như sau: công ty mình có ký hợp đồng với 1 công ty tư nhân, bên mình nhận thi công nhà xưởng, thi công đã xong và chủ đầu tư đã cho vào sử dụng, nhưng chủ đầu tư chưa thanh toán hết cho công ty mình dù đã 2 tháng, biên bản nghiệm thu thì họ ký rồi nhưng chưa gửi lại cho bên mình, họ hẹn 3 ngày nữa sẽ chuyển tiền và gửi lại hồ sơ, nhưng ngày hôm sau bão vô và làm tốc mái nhà xưởng và xà gồ. không riêng 1 xưởng của mình mà xưởng cũ của họ nữa, vậy xin hỏi luật sư thiệt hại như vậy bên nào chịu, và nhờ luật sư có các nào thương lượng hay nhất không, xin chân thần cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: 

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Luatbinhduong.net, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo Điều 584 và Điều 585 Bộ luật dân sự 2015 quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng:

"Điều 584. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

2. Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

3. Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này.

 

Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại

1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.

3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.

4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình."

 

Căn cứ Điều 605 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

"Điều 605. Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra

Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác.

Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường."

Về nguyên tắc bồi thường thiệt hại, Điều 585 BLDS quy định: Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình.

 

Theo khoản 1 Điều 156 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định:

"...Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền, nghĩa vụ dân sự của mình.."

Theo quy định tại Điều 605 BLDS năm 2015 nêu trên, chủ sở hữu, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng phải bồi thường thiệt hại nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác. Tuy nhiên, trường hợp thiệt hại xảy ra do sự kiện bất khả kháng thì không phải bồi thường. Trong trường hợp của anh, thiệt hại xảy ra do thiên tai là sự kiện bất khả kháng, xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được trong khả năng cho phép. Do đó, trong trường hợp của anh, công ty anh không phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự kiện bất khả kháng.

Trừ trường hợp việc thiên tai làm bay mái nhà của công ty tư nhân gây thiệt hại cho những ngôi nhà bên cạnh do mái nhà của công ty tư nhân do công ty anh nhận làm được xây lắp không đảm bảo an toàn kĩ thuật dẫn đến thiệt hại. Trong trường hợp này phải chứng minh được hành vi trái pháp luật và yếu tố lỗi của công ty anh thì mới phát sinh trách nhiệm bồi thường.

Về việc thương lượng: nếu lỗi không thuộc về công ty anh thì công ty không phải bồi thường bất kỳ khoản chi phí nào, ngoài ra công ty tư nhân kia có trách nhiệm thanh toán các chi phí còn lại sau khi công ty anh làm xong nhà xưởng như anh đã trình bày trên; nếu chứng minh được lỗi thuộc về công ty anh thì công ty anh phải bồi thường, nhưng do công ty tư nhân chưa thanh toán xong thì công ty anh có thể thỏa thuận về việc trừ những khoản chưa thanh toán để bồi thường thiệt hại về tài sản cho công ty tư nhân. 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.    

Trân trọng!

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương