TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI NHƯNG KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ YÊU CẦU LY HÔN ĐƯỢC KHÔNG?

TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI NHƯNG KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ YÊU CẦU LY HÔN ĐƯỢC KHÔNG?

TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI NHƯNG KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ YÊU CẦU LY HÔN ĐƯỢC KHÔNG?

TỔ CHỨC ĐÁM CƯỚI NHƯNG KHÔNG ĐĂNG KÝ KẾT HÔN CÓ YÊU CẦU LY HÔN ĐƯỢC KHÔNG?
CÂU HỎI TƯ VẤN: 
Chào Luật sư! Luật sư tư vấn cho tôi trường hợp hôn nhân như sau:
Tôi tên H, 26 tuổi. Năm 2018 tôi và T (vợ) quen nhau, có 1 con chung. Năm 2019 chúng tôi tổ chức đám cưới mà chưa đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.  Tuy nhiên, khi về chung sống được 2 ngày thì giữa T cùng gia đình tôi liên tục có mâu thuẫn và kéo dài. Bây giờ chúng tôi không cùng sống với nhau nữa. Một thời gian sau, tôi tìm hiểu người khác thì T quay sang quấy rối, lăng mạ và đe doạ. Để ổn định được tinh thần sống tôi muốn đơn phương ly hôn có được không? Nhờ Toà giải quyết phân chia thoả thuận nuôi con giữa tôi và T có được không? Và thủ tục như thế nào?
Tôi xin chân thành cảm ơn! 
TRẢ LỜI: 
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Luatbinhduong.net. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Khoản 5 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định:
Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn”.

Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.
Và khoản 1 Điều 9 quy định Đăng ký kết hôn:
“Việc kết hôn phải được đăng ký và do cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về hộ tịch.
Việc kết hôn không được đăng ký theo quy định tại khoản này thì không có giá trị pháp lý”.
Theo quy định pháp luật nêu trên, pháp luật chỉ công nhận quan hệ vợ chồng nếu như cả nam và nữ đủ điều kiện kết hôn, kết hôn tự nguyện và phải đi đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trường hợp việc kết hôn không được đăng ký thì không có giá trị pháp lý.
Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã tổ chức đám cưới với T, tuy nhiên chưa đăng ký kết hôn nên pháp luật không công nhận bạn và chị T là vợ chồng hợp pháp và không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: 
Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này”.
Bạn có yêu cầu ly hôn với chị T thì bạn nộp đơn ly hôn đến Tòa án quận (huyện) nơi chị T đang cư trú. Tòa án sẽ thụ lý và ra tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng và nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Tòa án sẽ giải quyết.
- Thủ tục ly hôn thì bạn nộp đơn ly hôn yêu cầu Tòa án tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng đến Tòa án quận (huyện) chị T cư trú. Hồ sơ ly hôn bao gồm:
+ Đơn xin ly hôn; 
+ Chứng minh thư nhân dân của bạn và chị T;
+ Giấy khai sinh của con (trường hợp muốn giành quyền nuôi con);
+ Giấy tờ, tài liệu liên quan đến tài sản chung ( nếu có tranh chấp tài sản chung).
Về quyền trực tiếp nuôi dưỡng con: Tại Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
Như vậy, trong trường hợp có phát sinh quyền nuôi con thì hai bên có thể  thỏa thuận với nhau về người trực tiếp nuôi dưỡng. Trường hợp không thỏa thuận được thì có quyền yêu cầu tòa án giải quyết, trong đó con dưới 36 tháng tuổi sẽ ưu tiên giành quyền nuôi dưỡng cho người mẹ, như vậy con của bạn và T sinh năm 2018, nên quyền nuôi con ưu tiên dang cho T hơn là bạn. Trong trường hợp con từ đủ 3- dưới 7 tuổi thì tòa sẽ xét khả năng về kinh tế và tinh thần của hai bên đảm bảo cho con để Tòa án quyết định ai được giành quyền trực tiếp nuôi dưỡng.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.
Trân trọng!
 

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương