THAM Ô TÀI SẢN TẠI NƠI LÀM VIỆC CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG?

THAM Ô TÀI SẢN TẠI NƠI LÀM VIỆC CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG?

THAM Ô TÀI SẢN TẠI NƠI LÀM VIỆC CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG?

THAM Ô TÀI SẢN TẠI NƠI LÀM VIỆC CÓ PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG?
CÂU HỎI:
Tôi và bạn tôi làm trong Spa. Một người là Kế toán và một người là Sale, trong quá trình làm việc, tôi và bạn tôi có gian lận một số tiền. Quá trình là khi khách hàng tới mua liệu trình làm đẹp thì tôi và bạn tôi không nhập vào phần mền và không báo cáo lên trên. Và bây giờ tôi và bạn tôi bị chủ Spa phát hiện là điều tra đã trình báo công an phường. Vậy tôi có phạm pháp không ạ. Trong quá trình làm việc thì tôi không hề ký một giấy tờ gì chứng minh tôi làm việc ở đó. Chỉ đọc thông tin rồi nhập vào máy tính thôi, chứ không có hồ sơ hay hợp đồng lao động. Và bây giờ phía người của Spa quay clip từng khách hàng đến mua liệu trình mà không có trong phần mền để làm chứng cứ, vậy cái đó có được gọi là chứng cứ hợp lệ hay không ạ . 
TRẢ LỜI: 
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Luatbinhduong.net, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Thứ nhất, về hành vi chiếm đoạt tài sản Spa của hai bạn:
Hành vi làm không đúng quy định để nhằm chiếm đoạt tài sản của cửa hàng của hai bạn là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự hoặc xử phạt vi phạm hành chính.
Do thông tin bạn cung cấp chưa đầy đủ nên chúng tôi tư vấn cho bạn theo các trường hợp sau:
Nếu số tiền các bạn chiếm đoạt của công ty lớn hơn 2.000.000 đồng, trong trường hợp này, bạn có thể có dấu hiệu cấu thành tội tham ô tài sản quy định tại Điều 353 Bộ luật Hình sự. Theo đó Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015, sđbs 2017 quy định như sau:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Có tổ chức;      
b) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
c) Phạm tội 02 lần trở lên;
d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; 
đ) Chiếm đoạt tiền, tài sản dùng vào mục đích xóa đói, giảm nghèo; tiền, phụ cấp, trợ cấp, ưu đãi đối với người có công với cách mạng; các loại quỹ dự phòng hoặc các loại tiền, tài sản trợ cấp, quyên góp cho những vùng bị thiên tai, dịch bệnh hoặc các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;
g) Ảnh hưởng xấu đến đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, tổ chức.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Dẫn đến doanh nghiệp hoặc tổ chức khác bị phá sản hoặc ngừng hoạt động.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”
Như vậy, trong trường hợp trên, hai bạn đã lợi dụng là thu ngân và sale của doanh nghiệp để chiếm đoạt tài sản bằng cách không nhập thông tin lên hệ thống để chiếm đoạt tài sản. Theo đó, nếu hai bạn chiếm đoạt tài sản từ 2.000.000 đồng trở lên (mặc dù không phải trong doanh nghiệp nhà nước), thì tùy theo số tiền mà các bạn chiếm đoạt để xác định hình phạt sẽ được áp dụng đối với hai bạn trong trường hợp này.
Trường hợp số tiền chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng thì có thể không bị xử lý hình sự (trừ trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về hành vi tham ô mà còn vi phạm) bạn phải thực hiện nghĩa vụ dân sự hoàn trả lại số tiền đã chiếm đoạt trái phép của Spa và bồi thường thiệt hại nếu hành vi gây ra thiệt hại của Spa. Ngoài ra bạn còn có thế bị xử phạt vi phạm hành chính từ điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định:
“1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
c) Dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản của người khác;”
Thứ hai, về những video mà Spa quay lại được về việc làm của các bạn:
Theo quy định của Điều 86 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về chứng cứ quy định:
“Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.”
Như vậy, nếu video quay lại việc làm của hai bạn được cơ quan công an thu thập theo trình tự, thủ tục bộ luật tố tụng dân sự thì có thể được xem là chứng cứ của vụ án.
Ngoài ra, về vấn đề quan hệ lao động giữa hai bạn và Spa mặc dù không có hợp đồng lao động tuy nhiên giữa bạn và Spa vẫn tồn tại quan hệ lao động. Vấn đề này Spa có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi không ký hợp đồng lao động, tuy nhiên quan hệ lao động của 02 bạn với Spa vẫn tồn tại.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.
Trân trọng!

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương