QUY ĐỊNH VỀ KHÁNG CÁO?

QUY ĐỊNH VỀ KHÁNG CÁO?

QUY ĐỊNH VỀ KHÁNG CÁO?

QUY ĐỊNH VỀ KHÁNG CÁO?
CÂU HỎI:
Quy định về kháng cáo? Thời hạn kháng cáo là bao nhiêu ngày? Muốn kháng cáo cần làm thủ tục gì theo đúng quy định của pháp luật và mẫu đơn kháng cáo?
TRẢ LỜI:
Pháp luật tố tụng hình sự, dân sự, hành chính đều quy định việc xét xử được diễn ra với hai cấp xét xử, bao gồm sơ thẩm và phúc thẩm. Tuy nhiên cấp xét xử phúc thẩm không được đặt ra đối với tất cả các vụ án, vụ việc mà chỉ áp dụng khi có đơn kháng cáo của người có quyền kháng cáo. Như vậy kháng cáo là một trong những quyền của công dân, đây là một trong những căn cứ để phiên tòa xét xử phúc thẩm diễn ra. Tuy nhiên có rất nhiều bị cáo, bị hại, nguyên đơn, bị đơn hay là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chưa nắm rõ được các quy định của pháp luật về kháng cáo dẫn đến quyền lợi của bản thân chưa được đảm bảo hay có khi là chịu án oan. Mong rằng qua bài viết này, Luatbinhduong.net sẽ giúp mọi người nắm rõ nhưng quy định mới nhất của pháp luật về kháng cáo và thời hạn kháng cáo.
Thứ nhất, khái niệm kháng cáo:
– Một là, khái niệm kháng cáo:
Kháng cáo là một trong những hành vi tố tụng, chỉ được tiến hành sau khi đã có bản án, quyết định của Tòa án và không đồng ý với bản án, quyết định này thì sẽ làm đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp trên tiến hành xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm.
Kháng cáo có thể được thực hiện trong cả tố tụng hình sự, tố tụng dân sự và tố tụng hành chính.
– Hai là, người có quyền kháng cáo:
+ Trong pháp luật tố tụng hình sự:
Được quy định tại Điều 331 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 những người có quyền kháng cáo bao gồm: Người bị hại; bị cáo; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi nghĩa vụ, liên quan; người bào chữa; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và bị hại.
+ Trong pháp luật tố tụng dân sự:
Người có quyền kháng cáo bao gồm: các bên đương sự; người đại diện hợp pháp của đương sự; cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện được quy định tại Điều 271 Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Những người nêu trên có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm.
+ Trong pháp luật tố tụng hành chính:
Theo quy định tại Điều 204 Bộ luật tố tụng hành chính 2015, những người có thẩm quyền kháng cáo bao gồm các bên đương sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ được quyền kháng cáo lại bản án; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm.
Thứ hai, nội dung kháng cáo:
Khi kháng cáo, người có quyền kháng cáo được kháng cáo các nội dung sau đây:
– Kháng cáo bản án hình sự hoặc quyết định sơ thẩm hình sự của Tòa án cấp sơ thẩm;
– Kháng cáo phần bản án hoặc quyết định có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại dân sự trong vụ án hình sự;
– Kháng cáo quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự;
– Kháng cáo bản án hành chính và quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính sơ thẩm của Tòa án cấp sơ thẩm.
Thứ ba, thời hạn kháng cáo:
– Thời hạn kháng cáo được như sau:
+ Đối với bản án sơ thẩm thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án hoặc kể từ ngày bị cáo, các bên đương sự nhận được bản án hoặc ngày bản án được niêm yết nếu đương sự, bị cáo vắng mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Riêng đối với vụ án dân sự và hành chính sơ thẩm nếu đương sự vắng mặt có lý do chính đáng thì 15 ngày tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết công khai; nếu không có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
+ Đối với quyết định sơ thẩm (đình chỉ, tạm đình chỉ) thời hạn kháng cáo là 07 ngày kể từ ngày người có quyền kháng cáo nhận được quyết định sơ thẩm hoặc quyết định sơ thẩm được niêm yết công khai;
Trong đó, ngày kháng cáo sẽ được xác định như sau:
Trường hợp gửi đơn kháng cáo bằng dịch vụ bưu chính thì ngày kháng cáo xác định theo dấu bưu chính nơi gửi;
Trường hợp gửi đơn kháng cáo thông qua Giám thị Trại tạm giam hoặc Trưởng Nhà tạm giữ nơi tạm giam, tạm giữ bị cáo thì ngày kháng cáo chính là ngày nhận được đơn của Giám thị Trại tạm giam, Trưởng Nhà tạm giữ.
Trường hợp gửi đơn kháng cáo tại Tòa án thì ngày kháng cáo là ngày nhận được đơn của Tòa án hoặc ngày Tòa án lập biên bản về việc kháng cáo nếu người kháng cáo trình bày việc kháng cáo trực tiếp với Tòa án.
– Kháng cáo quá hạn:
Mặc dù pháp luật quy định thời hạn kháng cáo, tuy nhiên các bên có quyền kháng cáo khi quá hạn nếu có lý do bất khả kháng, do có trở ngại khách quan dẫn đến việc không thể thực hiện được thủ tục kháng cáo theo đúng thời hạn quy định. Nhưng không phải bất cứ trường hợp nào cũng được kháng cáo quá hạn, người muốn kháng cáo quá hạn phải cung cấp được các bằng chứng, chứng cứ chứng minh và phải nhận được sự đồng ý, phê chuẩn của Hội đồng xét kháng cáo quá hạn.
Thứ tư, thủ tục kháng cáo:

– Bước 1, gửi đơn kháng cáo hoặc kháng cáo trực tiếp:
Người kháng cáo tiến hành gửi đơn kháng cáo đến Tòa án đã xét xử sơ thẩm vụ án hoặc Tòa án cấp phúc thẩm.
Nếu bị cáo đang bị tạm giam thì Trưởng Nhà tạm giữ hoặc Giám thị Trại tạm giam tiếp nhận đơn kháng cáo và có nghĩa vụ giao lại đơn cho Tòa án sơ thẩm đã ra bản án hoặc quyết định sơ thẩm.
Nếu không làm đơn hoặc không thể làm đơn kháng cáo, người kháng cáo có thể tiến hành trình bày trực tiếp với Tòa án đã xét xử sơ thẩm hoặc Tòa án cấp phúc thẩm về việc kháng cáo của mình.
Trong quá trình gửi đơn kháng cáo, người kháng cáo có thể gửi kèm theo các bằng chứng, chứng cứ, tài liệu liên quan nếu có để chứng minh về việc kháng cáo là có căn cứ và làm cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 
– Bước 2, tiếp nhận và xử lý đơn:
+ Tòa án cấp phúc thẩm đã tiếp nhận đơn hoặc lập biên bản về việc kháng cáo thì phải gửi đơn hoặc biên bản về việc kháng cáo đến cho Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử để thực hiện thủ tục theo quy định;
+ Tòa án cấp sơ thẩm sau khi tiếp nhận được đơn hoặc biên bản về việc kháng cáo phải tiến hành thủ tục vào sổ tiếp nhận và tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của đơn kháng cáo:
Nếu đơn kháng cáo hợp lệ và đúng thời hạn kháng cáo thì thông báo về việc kháng cáo đến Viện kiểm sát nhân dân cũng cấp và những người có liên quan trong vụ án; Nếu quá thời hạn kháng cáo mà đơn kháng cáo hợp lệ thì Tòa án yêu cầu người kháng cáo nêu rõ lý do và đưa ra bằng chứng, chứng cứ để chứng minh các lý do đó nếu có. 
Nếu đơn kháng cáo đã hợp lệ nhưng nội dung kháng cáo chưa rõ ràng thì Tòa án cấp sơ thẩm phải thông báo để người kháng cáo tiến hành làm rõ;
Nếu người viết đơn kháng cáo là người không có quyền kháng cáo thì trong vòng ba ngày kể từ ngày nhận được đơn, Tòa án tiếp nhận đơn trả lại đơn cho người kháng cáo đồng thời thông báo bằng văn bản cho người làm đơn, Viện kiểm sát nhân dân hoặc quân sự cùng cấp trong đó nêu rõ lý do trả lại đơn.
Tuy nhiên việc trả lại đơn kháng cáo của Tòa án có thể bị khiếu nại trong thời hạn bảy ngày tính từ ngày nhận được thông báo và cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành. 
– Bước 3, thụ lý vụ án và tiến hành xét xử theo thủ tục phúc thẩm:
Tòa án ra thông báo thụ lý vụ án và tiến hành các bước chuẩn bị xét xử và xét xử theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015.
Mẫu đơn kháng cáo: truy cập theo đường link sau: http://luatbinhduong.net/bieu-mau/bieu-mau-don-khang-cao-521.html
Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất.
Trân trọng!

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương