LI HÔN VÌ LÍ DO CHỒNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH?

LI HÔN VÌ LÍ DO CHỒNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH?

LI HÔN VÌ LÍ DO CHỒNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH?

LI HÔN VÌ LÍ DO CHỒNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH?
CÂU HỎI:
Đơn phương ly hôn khi chồng có hành vi bạo lực gia đình?
Xin chào luật sư! vui lòng tư vấn giúp tôi vấn đề như sau: Tôi và chồng tôi kết hôn đã được 06 năm và có 02 bé trai. Bé trai lớn nhất được 09 tuổi. Bé trai thứ hai được 06 tuổi. Chồng tôi đã vi phạm tệ nạn xã hội rất nhiều lần. Nhiều lần đánh đập tôi và con. Hiện tại, thì chồng tôi vừa mới ra tù được hai ngày. Chồng tôi đang có dấu hiệu muốn đe dọa tính mạng của tôi. Cho tôi hỏi tôi muốn ly hôn có được hay không? ngoài ra, chồng tôi còn muốn giành quyền nuôi con với tôi. Tôi đang rất sợ và bối rối không biết phải làm thế nào?
Kính mong sự giúp đỡ của luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
TRẢ LỜI:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Luatbinhduong.net. Nội dung câu hỏi của bạn chúng tôi vấn cụ thể như sau:
Căn cứ theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn:
"Điều 51. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.
3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi."
Như vậy, theo thông tin bạn cung cấp, vợ chồng bạn kết hôn đã được 06 năm và có hai bé trai. Bé trai lớn nhất được 09 tuổi. Bé trai thứ hai được 06 tuổi. Chồng bạn đã vi phạm tệ nạn xã hội rất nhiều lần. Nhiều lần đánh đập bạn và con. Hiện tại, thì chồng bạn vừa mới ra tù được hai ngày. Thậm chí, chồng bạn đang có dấu hiệu muốn đe dọa tính mạng của bạn. Lúc này, chính bản thân bạn hoặc cha, mẹ, người thân thích khác của bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết vấn đề ly hôn cho bạn khi có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình, có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ của người chồng trong thời kỳ hôn nhân. Dẫn chiếu đến Điều 56 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về ly hôn theo yêu cầu của một bên như sau:
"1. Khi vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn mà hòa giải tại Tòa án không thành thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc vợ, chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được.
2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
3. Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật này thì Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu có căn cứ về việc chồng, vợ có hành vi bạo lực gia đình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người kia."
Như vậy, trong trường hợp này, chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình, có hành vi đánh đập bạn cũng như con bạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của bạn và con, thì bạn có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn cho bạn kể cả khi chồng bạn không đồng ý ly hôn và không đồng ý ký vào đơn ly hôn.
Hiện nay, vợ chồng bạn có hai con chung là một cháu được 09 tuổi và một cháu được 06 tuổi. Bạn có thể được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn:
Căn cứ Điều 81 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
"Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con."
Đối với cháu lớn được 09 tuổi: Bạn sẽ được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con sau khi ly hôn khi con bạn có nguyện vọng ở cùng với bạn vì cháu hiện nay đã đủ 07 tuổi trở lên nên Tòa án sẽ xem xét nguyện vọng của cháu để giao con cho người cháu có nguyện vọng ở cùng. Đồng thời, bạn cần chứng minh bạn có đủ điều kiện, đủ khả năng về vật chất lẫn tinh thần để có thể đảm bảo tốt nhất quyền và lợi ích chính đáng nhất cho con của bạn.
Đối với cháu bé được 06 tuổi: Trong độ tuổi này thì giữa bạn và chồng bạn có quyền ngang nhau trong việc giành quyền trực tiếp nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn (vì chỉ khi con dưới 36 tháng tuổi thì Tòa án mới giao con cho mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, con từ đủ 07 tuổi trở lên sẽ xem xét nguyện vọng của con). Như vậy, nếu bạn muốn được trực tiếp nuôi dưỡng cháu thứ hai thì bạn cần đưa ra bằng chứng bất lợi cho chồng bạn như: chồng bạn có hành vi bạo lực gia đình thông qua hình ảnh, video, ghi âm, ghi hình hoặc người làm chứng, xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền, xác nhận của cơ quan công an về chồng bạn đã vi phạm quy định của pháp luật hình sự và chồng bạn mới được mãn hạn tù hai ngày. Lúc này, Tòa án giải quyết việc giao con cho bạn trực tiếp nuôi dưỡng để đảm bảo lợi ích chính đáng nhất cho con của bạn.
Ngoài ra, nếu chồng bạn có dấu hiệu đánh đập mẹ con bạn hoặc có hành vi đe dọa đến tính mạng của bạn và các con thì bạn có thể nộp đơn Tố giác tội phạm tới cơ quan công an cấp quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh nơi chồng bạn đang cư trú để yêu cầu cơ quan công an giải quyết theo quy định của BLDS 2015, sđbs 2017 về Tội đe dọa giết người theo Điều 133 hoặc Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo Điều 134.
Bạn cũng có thể yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha đối với con chưa thành niên khi chồng bạn thuộc các trường hợp quy định tại Điều 85 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định về Hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên như sau:
"1. Cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên trong các trường hợp sau đây:
a) Bị kết án về một trong các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con với lỗi cố ý hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con;
b) Phá tán tài sản của con;
c) Có lối sống đồi trụy;
d) Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
2. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể tự mình hoặc theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 86 của Luật này ra quyết định không cho cha, mẹ trông nom, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con hoặc đại diện theo pháp luật cho con trong thời hạn từ 01 năm đến 05 năm. Tòa án có thể xem xét việc rút ngắn thời hạn này."
Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net về vấn đề bạn vừa yêu cầu. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất. Trân trọng!

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương