BÌNH LUẬN ĐIỀU 187 BLHS 2015 (sđbs 2017) VỀ TỘI TỔ CHỨC MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI.

BÌNH LUẬN ĐIỀU 187 BLHS 2015 (sđbs 2017) VỀ TỘI TỔ CHỨC MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI.

BÌNH LUẬN ĐIỀU 187 BLHS 2015 (sđbs 2017) VỀ TỘI TỔ CHỨC MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI.

BÌNH LUẬN ĐIỀU 187 BLHS 2015 (sđbs 2017) VỀ TỘI TỔ CHỨC MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI.
CÂU HỎI:
BÌNH LUẬN ĐIỀU 187 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) VỀ TỘI TỔ CHỨC MANG THAI HỘ VÌ MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI.
TRẢ LỜI:
1. Quy định mới về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã ghi nhận và cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Đây là quy định mang tính nhân văn cao khi đã tạo cơ hội cho nhiều người được làm cha mẹ. Luật hôn nhân và gia đình chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Việc mang thai hộ phải được tuân thủ chặt chẽ quy định tại các điều Luật hôn nhân và gia đình 2014 và Nghị định 10/2015/NĐ-CP quy định về sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên, không ít trường hợp lợi dụng việc mang thai hộ để hưởng lợi về kinh tế, trái mục đích mà nhà nước hướng tới khi cho phép mang thai hộ.
Theo xu hướng đó, nhằm điều chỉnh hiện tượng lạm dụng việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đi ngược với bản chất nhân văn của việc mang thai hộ, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS) đã bổ sung tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” (Điều 187). Đây là một điều luật mới nhằm đấu tranh, ngăn ngừa các hành vi lợi dụng quy định của Luật hôn nhân và gia đình 2014 cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo để trục lợi.
Tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là tội danh mới vì BLHS 1999 không quy định, Tội Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại được quy định tại Điều 187, nằm trong Chương XVII. Các tội xâm phạm chế độ hôn nhân và gia đình (BLHS).
2. Bình luận về Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
"Điều 187. Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại
1. Người nào tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức;
d) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Khái niệm
Theo quy định tại Điều 187 BLHS thì Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi thành lập, chủ trì, dụ dỗ, lôi kéo, lên kế hoạch để các bên mang thai hộ gặp nhau của một người hoặc một nhóm người có năng lực trách nhiệm hình sự, được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp vì mục đích hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Dấu hiệu pháp lý
Khách thể
Hành vi tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại xâm hại đến chế độ quản lý nhà nước về sinh sản bằng phương pháp kỹ thuật và tính nhân đạo của hành vi mang thai hộ trong trường hợp vợ chồng gặp khó khăn về vấn đề sinh sản.
Mặt khách quan
- Về hành vi: Tổ chức mang thai hộ là hành vi bao gồm tổng hợp của nhiều hành vi khác nhau từ việc tạo điều kiện cho các bên có nhu cầu mang thai hộ gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc, sắp xếp, tạo điều kiện và hỗ trợ về các phương tiện để các bên tiến hành việc mang thai hộ bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Mục đích cuối cùng của người thực hiện hành vi là vì mục đích thương mại, nếu có hành vi “tổ chức” nhưng không “vì mục đích thương mại” thì không cấu thành tội này.
Chủ thể
Người phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại là bất kỳ người nào có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi theo quy định của BLHS là từ đủ 16 tuổi trở lên.
Lưu ý: Đây là Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, vì thế ngoài thỏa mãn các quy định về chủ thể vừa quy định trên thì chủ thể của tội này là chỉ về một người hay một nhóm người tổ chức chứ không phải là chỉ về chủ thể mang thai hộ. Nghĩa là người phạm tội này là người đứng ra tổ chức cho việc mang thai hộ diễn ra để thu lợi, chứ không phải là các bên có nhu cầu mang thai.
Hành vi “Tội tổ chức mang thai hộ” không có nghĩa là phải có nhiều người cùng tham gia thực hiện hành vi, mà chủ thể thực hiện tội phạm có thể chỉ là một người đứng ra thực hiện tất cả các hành vi phạm tội để tổ chức mang thai hộ vì lợi ích kinh tế hoặc lợi ích khác.
Mặt chủ quan
Người phạm Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thực hiện hành vi của mình với lỗi cố ý trực tiếp, tức là “người tổ chức hiểu rõ được hành vi phạm tội của mình là nguy hiểm cho xã hội, họ thực hiện một cách chủ động và mong muốn việc mang thai hộ diễn ra”; không có trường hợp người tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thực hiện tội phạm do vô ý, vì người phạm tội này bao giờ cũng mong muốn thực hiện hành vi phạm tội.
Người phạm Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thực hiện hành vi của mình với động cơ vụ lợi (nhằm hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác).
Người phạm Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thực hiện hành vi của mình với mục đích thương mại.
Hình thức xử lý
Hình thức xử lý Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo cấu thành cơ bản (Điều 187 khoản 1 BLHS)
Khoản 1 Điều 187 BLHS là cấu thành cơ bản của Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, (không có những tình tiết định khung tăng nặng tại khoản 2 của Điều luật này) thì bị phạt một trong ba hình phạt sau: Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo Khoản 1 Điều 187 BLHS, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS (từ Điều 50 đến Điều 59).
Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 Điều 51 BLHS, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể áp dụng một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng hoặc chuyển sang một hình phạt khác nhẹ hơn là hình phạt cảnh cáo. Lý do của việc giảm nhẹ phải ghi vào bản án.
Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 65 BLHS thì người phạm Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại được hưởng án treo.
Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 02 năm tù.
Nếu các tình tiết của vụ án như nhau, thì người phạm tội này có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Điều 51 BLHS sẽ được áp dụng hình phạt thấp hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết giảm nhẹ hơn; người phạm tội này có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS sẽ được áp dụng hình phạt nặng hơn người phạm tội không có hoặc có ít tình tiết tăng nặn hơn.
Đường lối xử lý Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo cấu thành tội phạm tăng nặng (Điều 187 khoản 2 BLHS)
Người phạm Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Đối với 02 người trở lên
Là trường hợp tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại đối với 02 người trở lên. Nghĩa là cùng một khoảng thời gian một hoặc một nhóm người đã tổ chức cùng một lúc cho 02 người mang thai hộ để hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
b) Phạm tội 02 lần trở lên
Là trường hợp tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại từ 02 lần trở lên. Đây cũng có thể được xem là phạm tội 02 lần nhưng chỉ đối với 01 người (để phân biệt với trường hợp “Đối với 02 người trở lên”).
Phạm tội 02 lần trở lên là trường hợp có từ 02 lần tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại trở lên, mỗi lần tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại đều đã cấu thành tội phạm và nay bị đưa ra xét xử cùng một lúc, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước đến lần phạm tội sau.
Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội 02 lần trở lên nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu trong các lần phạm tội đó, chỉ có 01 lần phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại, còn các lần phạm tội khác chỉ là vi phạm kỹ luật hoặc đã bị xét xử hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại 02 lần trở lên.
c) Lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức
Là trường hợp người phạm tội lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên, ví dụ như lợi dụng danh nghĩa bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức nhân đạo…để đứng ra tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội với tình tiết định khung tăng nặng là lợi dụng danh nghĩa của cơ quan, tổ chức khi mà chính người tổ chức đang làm việc trong cơ quan, tổ chức. Nếu người phạm tội giả mạo là thành viên của bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, tổ chức nhân đạo…để đứng ra tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thì không áp dụng tình tiết này.
d) Tái phạm nguy hiểm
Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:
Là trường hợp người phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
Là trường hợp người phạm tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.
Người phạm tội Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại thuộc một trong các trường hợp nêu trên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Khi quyết định hình phạt đối với người phạm Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo Khoản 2 Điều 187 BLHS, Tòa án cần căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VIII BLHS (từ Điều 50 đến Điều 59).
Nếu người phạm tội có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1 Điều 51 BLHS, không có tình tiết tăng nặng, thì Tòa án có thể áp dụng một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật (từ 03 tháng đến 01 năm). 
Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 52 BLHS, không có tình tiết giảm nhẹ thì có thể bị phạt đến 05 năm.
Đường lối xử lý Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại theo hình phạt bổ sung ((Điều 187 khoản 3 BLHS)
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội Tội tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại có thể bị phạt một trong các hình phạt bổ sung sau đây:
Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng 
Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Trên đây là nội dung tư vấn của Luatbinhduong.net. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác vui lòng liên hệ qua Email: lbd@luatbinhduong.net hoặc gọi điện tới số điện thoại (0274) 6270 270 để được tư vấn hỗ trợ nhanh nhất. 
Trân trọng!   

 

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương