Quy định luật sư phải tố giác thân chủ: Đi ngược thiên chức người bào chữa

Quy định luật sư phải tố giác thân chủ: Đi ngược thiên chức người bào chữa

Quy định luật sư phải tố giác thân chủ: Đi ngược thiên chức người bào chữa

Quy định luật sư phải tố giác thân chủ: Đi ngược thiên chức người bào chữa

Nội dung quy định buộc luật sư phải tố giác thân chủ như trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Bên cạnh những ý kiến đồng tình, nhiều ý kiến khác cho rằng, nếu quy định như Bộ luật Hình sự 2015 là mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và đi ngược với thiên chức của người bào chữa.

Quy dinh luat su phai to giac than chu: Di nguoc thien chuc nguoi bao chua - Anh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy.

“Vì lợi ích chung của quốc gia”

Trước phản ứng của giới luật sư và dư luận về phát biểu trước đó của ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn), ngày 26/5, trao đổi với PV Tiền Phong bên lề kỳ họp, bà Thủy khẳng định: “Phát biểu của tôi trên cơ sở vì lợi ích chung của quốc gia, của dân tộc, vì sự bình yên chung của nhân dân. Là đại biểu đại diện cho nhân dân, cử tri, tôi rất lắng nghe các ý kiến đóng góp, để từ đó có thêm thông tin, phục vụ tốt hơn cho hoạt động của mình”, bà Thủy bày tỏ.

Lý giải thêm, ĐB Thủy cho biết, luật sư trước hết là nghề có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế. Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này đang quy định, luật sư không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác thân chủ của mình, trừ trường hợp anh không tố giác tội mà thân chủ đã thực hiện là tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội đặc biệt nghiêm trọng khác.

Theo bà Thủy, về các tội đặc biệt nghiêm trọng khác, không liệt kê tất cả các tội đặc biệt nghiêm trọng mà chỉ là một số tội đặc biệt nghiêm trọng, ví dụ tội giết người. Theo nữ đại biểu, khi người bào chữa không tố giác tội đó thì anh phải chịu trách nhiệm do không tố giác tội phạm.

“Ví dụ luật sư trong quá trình bào chữa mà biết thân chủ của mình đã thực hiện hành vi giết người chôn xác ở sau nhà, trong khi đó gia đình nạn nhân đang đau khổ, tìm kiếm người thân của mình. Các cơ quan tố tụng cũng đang nỗ lực để tìm ra tội phạm, luật sư biết điều đó mà anh không tố giác? Ví dụ thứ hai, tội đánh tráo trẻ em dưới 1 tuổi. Đó không chỉ là tội phạm hình sự thông thường nữa mà đó là tội ác. Biết việc đó mà anh không tố giác thì tôi nghĩ rằng, ở góc độ đạo đức, đạo lý của một con người thông thường đã không thể chấp nhận được, chưa nói một người luật sư mang trên mình sứ mệnh bảo vệ công lý, là người có trách nhiệm bảo vệ pháp chế.

Trái lương tâm, đạo đức nghề nghiệp

Tại phiên thảo luận trước đó, đề cập đến điều 19 trong Bộ luật sửa đổi, luật sư Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đề nghị loại bỏ chủ thể luật sư ra khỏi điều luật. Quy định này là vi hiến và xung đột với Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Mặt khác, điều 19 còn làm đảo lộn giá trị nghề luật sư trong xã hội, vì bản chất nghề luật sư là bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. “Luật sư đi tố giác thân chủ khác nào cha đạo đi tố con chiên vừa xưng tội. Chỉ một vụ luật sư tố giác thân chủ thôi, xã hội có còn tin để nhờ luật sư bào chữa bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ nữa hay không?”, ông Chiến nêu.

Đồng tình với luật sư Nguyễn Văn Chiến, tuy nhiên ĐBQH Đỗ Ngọc Thịnh (Khánh Hòa) cho rằng, phải nhìn vào thực tiễn hiện nay. Theo ĐB Thịnh, khi tội phạm đó thực hiện rồi, luật sư biết thì luật sư sẽ không tố giác tội phạm kể cả những tội xâm phạm an ninh quốc gia và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nhưng khi họ chưa thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện tội phạm, ví dụ luật sư thấy thân chủ chuẩn bị thực hiện việc khủng bố hoặc tham gia kế hoạch khủng bố, đặt bom ở đâu đó sẽ gây thiệt hại cho cộng đồng xã hội và nhà nước, trong trường hợp đó đương nhiên luật sư có trách nhiệm tố giác tội phạm, vì đây là trách nhiệm công dân. Tuy vậy, trong Bộ luật Hình sự ngoài quy định về các tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia thì có tới 70 điều quy định về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác (liệt kê theo điều 389). Theo ĐB, điều này rất dễ dẫn đến “tai nạn nghề nghiệp” cho luật sư.

“Việc quy định như vậy không chỉ ảnh hưởng tới các luật sư tham gia bào chữa mà còn ảnh hưởng tới cả đội ngũ luật sư và nghề luật sư. Chính vì vậy, theo ý kiến cá nhân, tôi đề nghị cần khoanh lại những tội phạm nào mà luật sư cần tố giác tội phạm”, ông Thịnh nêu, và đồng ý các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì có thể luật sư vẫn phải tố giác tội phạm khi họ chưa thực hiện hoặc có kế hoạch thực hiện. Đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng đang quy định tới 70 tội, ông đề nghị chỉ khoanh lại khoảng 13 tội.

Quy dinh luat su phai to giac than chu: Di nguoc thien chuc nguoi bao chua - Anh 2

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: Như Ý.

Là một trong 4 luật sư đang tham gia diễn đàn QH, ĐB Trương Trọng Nghĩa(TPHCM)đồng tình với ý kiến của luật sư Nguyễn Chiến, luật sư Đỗ Ngọc Thịnh nói về điều 19 không tố giác tội phạm. ĐB Nghĩa phân tích, luật lại đánh đồng người bào chữa là luật sư và người bào chữa không là luật sư. Người bào chữa là luật sư thì họ chịu chi phối bởi rất nhiều điều, chịu sự điều chỉnh của Luật Luật sư, quy tắc đạo đức nghề nghiệp… Trong khi những người bào chữa khác thì không phải chịu sự chi phối đó. Do đó, theo ông Nghĩa, cụm từ “người bào chữa” chịu ảnh hưởng rất nhiều và đối với người luật sư tham gia bào chữa thì “trách nhiệm và ràng buộc hết sức nặng nề”.

“Luật sư mà tố giác thân chủ thì có thể vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội. Theo nguyên tắc này, một người coi là có tội chỉ khi bản án có hiệu lực của tòa án, còn việc chứng minh tội phạm là việc của cơ quan điều tra và công tố. Chính người đó cũng không phải chứng minh mình là vô tội mà luật sư lại đi tố giác. Tố giác có bằng chứng thì anh lại góp phần với công tố. Tố giác không có bằng chứng hay dựa vào lời khai nào đó của họ thì anh lại vi phạm nghĩa vụ công dân của nghề nghiệp. Luật sư tố giác thân chủ có thể vi phạm quyền con người của bị can, bị cáo”, ông Nghĩa nói.

Luật sư đi tố giác thân chủ là trái với lương tâm và đạo đức nghề nghiệp vì phản bội lại niềm tin của bị can, bị cáo, trái với thiên chức của luật sư là gỡ tội. Quy định này có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong quá trình hội nhập. Ở các nước khác, quan hệ giữa luật sư và thân chủ là quan hệ được đặc quyền bảo mật. “Để đạt được thành tựu này về quyền có người bào chữa bị can bị cáo là thành tựu rất lớn trong cải cách tư pháp của Đảng, Nhà nước ta trong vòng mười mấy năm qua. Chúng tôi đề xuất những ý kiến này không phải dựa trên quyền lợi của luật sư mà chính là ý thức trách nhiệm đối với nền tư pháp của nước nhà”- ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

“Quy định này có thể ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong quá trình hội nhập bởi doanh nhân hay công nhân nước ngoài có thể nói với nhau hãy cảnh giác khi sử dụng luật sư Việt Nam vì họ có nghĩa vụ tố giác thân chủ, vì nếu không chính họ sẽ bị khởi tố hình sự”

ĐB Trương Trọng Nghĩa

Điều 19 dự thảo Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi quy định: Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện mà người bào chữa biết được khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 389 của Bộ luật này.

(http://www.baomoi.com/quy-dinh-luat-su-phai-to-giac-than-chu-di-nguoc-thien-chuc-nguoi-bao-chua/c/22384037.epi)

Chia sẻ:
Tin liên quan
CÔNG TY TNHH NHÔM KÍNH THANH BÌNH CÔNG TY CỔ PHẦN ANNA HOLDINGS CÔNG TY LUẬT ADB SAIGON CÔNG TY TNHH XÂY LẮP NHẬT HUY
© 2017 Luật Bình Dương